Những năm qua, bằng nhiều giải pháp, hoạt động, công tác xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đã duy trì hoạt động vớt rác thường xuyên. Lượng thủy sinh vật trong tuyến kênh cũng ghi nhận phục hồi đáng kể. 100% các khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và kết nối quan trắc tự động với Sở TN-MT để thuận lợi trong quản lý, xử lý.
Trước đó, thành phố đã thực hiện di dời toàn bộ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12) vào các khu công nghiệp, chấm dứt nạn ô nhiễm nhiều năm qua trên địa bàn quận này. Nhiều điểm đen ô nhiễm ở các bãi tập kết rác trước đây đã được quận huyện, lực lượng đoàn thanh niên cải tạo thành những vườn hoa xanh, đẹp…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN-MT, hiện ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là nạn ô nhiễm nước thải. Thành phố hiện vẫn còn hàng ngàn tuyến kênh rạch bị tắt nghẽn dòng chảy vì rác và nước thải sinh hoạt lẫn công nghiệp, tồn đọng nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến quận huyện cho rằng công tác bảo vệ môi trường tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến tình trạng vẫn còn những hành vi xả rác thải ra môi trường, gây mất mỹ quan cho đô thị. Ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch UBND quận 8, cho biết địa phương này đang gặp thách thức không nhỏ trong việc xử lý rác thải trên 43 tuyến sông, kênh, rạch lớn nhỏ trên địa bàn. Một bộ phận hộ dân ở trên và ven kênh rạch vẫn còn thói quen xả rác thải trực tiếp xuống kênh, rạch; kết hợp với tình trạng bồi lắng tích tụ rác thải, dần hình thành nên điểm mất vệ sinh môi trường, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và tắc nghẽn dòng chảy gây nên tình trạng ngập nước.
Bên cạnh đó, số lượng dân nhập cư ngày càng tăng, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chưa cao. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người dân, cho rằng tình trạng lấy rác chậm trễ của tổ rác dân lập ở nhiều nơi, đôi khi kéo dài 3 – 6 ngày, làm cho rác phát tán gây ô nhiễm môi trường khu vực dân cư. Thêm nữa, các loại rác thải như bàn ghế, đồ dùng đã qua sử dụng, xà bần… hiện không được thu gom hoặc thu gom tự phát, dẫn đến hình thành nhiều bãi tập kết rác, cũng đang gây nhiều bức xúc cho cộng đồng dân cư.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cũng nhìn nhận một bất cập là các điểm tập kết rác trước đây được bố trí ở những khu vực không có dân cư, thế nhưng, do quá trình đô thị hóa, dân cư áp sát những khu vực này gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đây là vấn đề hết sức lớn, dù thành phố đã ban hành các kế hoạch thực hiện vấn đề này nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng thì cần rất nhiều thời gian.
Hiện sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các quận huyện về việc nghiên cứu phương thức thu gom liên tuyến, cũng như thực hiện công tác thu gom đưa hẳn về trạm trung chuyển và thực hiện thống kê giờ thu gom rác sao cho ít ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác giám sát, kiểm tra đối với những điểm tập kết rác chưa sâu sát nên có những phản ánh về vấn đề chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở TN-MT cũng nghiên cứu triển khai các trạm trung chuyển rác hiện đại. Đặc biệt, công tác phân loại rác tại nguồn hiện nay không còn thí điểm mà thực hiện triển khai dần theo lộ trình. Đối với lực lượng thu gom rác dân lập, thành phố đã có chỉ đạo chuyển đổi lực lượng này. Trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề xuất những chế tài mạnh tay hơn để xử lý những hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường.
Nguồn: SGGP