DANH SÁCH LIÊN KẾT

Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh Hình ảnh
102481
1

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Bộ TN&MT và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp toàn diện giai đoạn 2018-2023

Cập nhật: 11/18/2021 10:43:35 AM
Số lần xem: 243

Trên cơ sở Tổng kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND ngày 13 tháng 5 năm 2011 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam về việc Tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011 - 2015… sáng 22/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã ký chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.

Chương trình phối hợp có mục đích tạo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường sự tham gia của Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân trong tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến tài nguyên môi trường, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn.

Thông qua thực hiện Chương trình phối hợp này đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn ký chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin giới thiệu chương trình phối hợp giữa hai cơ quan để ngành TN&MT và Hội NDVN các cấp theo dõi.

NỘI DUNG PHỐI HỢP 

Phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cán bộ và hội viên nông dân các cấp trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học; tham gia giám sát, phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường, quản lý đất đai, khoáng sản…

Triển khai có hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020,  trong đó trọng tâm là tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Tổ chức các Hội thảo, tập huấn về các sự kiện môi trường nhằm tăng cường sự tham gia của đông đảo Hội viên nông dân trong bảo vệ tài nguyên môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất xanh, việc làm xanh, lối sống tiêu dùng bền vững thân thiện với môi trường trong nông thôn.

Đẩy mạnh vai trò của Hội Nông dân tham gia tư vấn, phản biện cơ chế chính sách luật pháp, quy hoạch, kế hoạch quốc gia và liên vùng về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, giám sát tuân thủ pháp luật Việt Nam về tài nguyên môi trường, bảo vệ quyền lợi cho hội viên nông dân, hướng hội viên nông dân đi đầu trong tuân thủ pháp luật về tài nguyên môi trường.

Tổ chức triển khai các phong trào, chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm của Hội Nông dân gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị sản phẩm sạch bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các phong trào, các mô hình “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân tham gia giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai”; “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”; “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường biển; bảo vệ môi trường làng nghề; trang trại, hộ gia đình”; “Cộng đồng tự quản, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học”…

Phối hợp tổ chức các sự kiện tài nguyên và môi trường, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phối hợp quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ TN&MT trình bày Dự thảo chương trình phối hợp giữa Bộ TN&MT và Hội NDVN giai đoạn 2018-2023

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động phối hợp của các các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp phối hợp với các đơn vị thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội Nông dân thực hiện Chương trình phối hợp bằng các hoạt động cụ thể và thiết thực; phối hợp, tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia thực hiện tốt các nội dung đã ký kết.

2. Chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân các cấp trong việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của nông dân vào việc xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; tổ chức các diễn đàn và các cuộc đối thoại với nông dân trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức tiếp nhận ý kiến giám sát của các hộ nông dân đối với việc thực thi pháp luật tại địa phương.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ sự tham gia của hội viên, nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phối hợp với các cơ quan chức năng về kế hoạch đầu tư và tài chính phân bổ kinh phí hàng năm từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác cho Hội Nông dân Việt Nam để triển khai các chương trình dự án, kế hoạch hoạt động thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

4. Cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu, ấn phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia giúp Hội Nông dân Việt Nam trong các hoạt động truyền thông, tập huấn về tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Phối hợp và tạo điều kiện để các cấp Hội tham gia tư vấn, phản biện, giám sát, phát hiện và kiến nghị xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; tham gia giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích về khai thác, sử dụng tài nguyên, các khiếu nại, tranh chấp về đất đai, gây ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực nông thôn.

6. Có các hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời đối với các tập thể và nông dân có thành tích xuất sắc tham gia bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Lễ ký kết sáng 22/12 tại Hà Nội

Hội Nông dân Việt Nam:

1.Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp hoạt động để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp; vận động hội viên nông dân cả nước có ý thức và trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; phổ biến kiến thức các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, phương pháp canh tác để giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể hóa và đưa các nội dung này vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp Hội và phong trào nông dân.

2. Chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường việc xây dựng đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, từng giai đoạn trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp về quản lý, sử dụng tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường nơi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Tham gia tư vấn, phản biện, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật có liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường.

4. Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông vận động nâng cao  nhận thức thay đổi thái độ, hành vi của nông dân đối với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường nơi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

5. Phát động và chỉ đạo thực hiện phong trào nông dân, xây dựng mô hình, điển hình các cấp Hội và nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường nơi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

6. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng truyền thông vận động nông dân, tổ chức phong trào, xây dựng mô hình, điển hình và năng lực làm công tác phản biện, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cho đội ngũ cán bộ của Hội Nông dân các cấp.

7. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn các tài liệu, ấn phẩm phục vụ cho công tác truyền thông vận động, tập huấn nâng cao năng lực; phản biện, kiểm tra, giám sát cho các cấp Hội Nông dân và các hộ gia đình nông dân.

8. Đưa vào văn kiện Đại hội đại biểu, các Nghị quyết, chương trình hoạt động, dự án, đề án hàng năm, từng thời kỳ của Hội Nông dân các cấp nội dung tham gia giám sát, phản biện, bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

9. Thường xuyên thông tin, trao đổi với Bộ Tài Nguyên và Môi trường về kết quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp tham gia giám sát, bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

10. Chỉ đạo thống nhất trong toàn Hội thực hiện các nội dung đã ký kết; thường xuyên kiểm tra đánh giá, giám sát hoạt động; có hình thức thi đua khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân có thành tích; đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường và Hội Nông dân các cấp về những nội dung hai bên đã ký kết; Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình phối hợp và xây dựng phương hướng, kế hoạch thực hiện của năm tiếp theo.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cấp Hội Nông dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này; hàng năm có báo cáo kết quả về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, chỉ đạo.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp đề xuất và kiến nghị với Đảng, Chính phủ những vấn đề mới nảy sinh nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và các giải pháp thiết thực, phù hợp để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Vụ Kế hoạch – Tài chính; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao Trung tâm Môi trường nông thôn là đơn vị đầu mối tham mưu, đề xuất, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình phối hợp; hàng năm dựa vào các mục tiêu và hoạt động cụ thể để phối hợp xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí thực hiện các chương trình, dự án thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

5. Căn cứ Chương trình phối hợp, Hội Nông dân các cấp và các cơ quan chức năng ngành tài nguyên và môi trường nghiên cứu, cụ thể hóa việc thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các tỉnh, thành Hội, các Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để xem xét, điều chỉnh.

6. Chương trình phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Nghị quyết Liên tịch số 02/2011/NQLT-BTNMT-HND ngày 13 tháng 5 năm 2011 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc “Tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015” .

 Nguồn: TN&MT

Xem thêm bản tin khác